Chọn công nghệ silo bảo quản lúa là phù hợp

Công Ty Cổ Phần TRIỆU PHÁT

Tin trong ngành

Chọn công nghệ silo bảo quản lúa là phù hợp

Mặc dù chi phí đầu tư của silo cao hơn khoảng 2 lần so với nhà kho có mái che, silo giảm thiểu được công lao động phục vụ trong kho, giảm tổn thất triệt để hơn, bảo quản được lâu hơn...

Ở ĐBSCL sản lượng lúa càng lớn thì tổn thất lúa sau thu hoạch (STH) càng cao, theo ông tồn tại này bất hợp lý ở khâu nào trong chuỗi cung ứng lúa gạo?

Tổn thất STH lúa gạo ở ĐBSCL do một số nguyên nhân chính như: Quy mô SX cấp nông hộ trồng lúa còn nhỏ bé (bình quân chỉ có 1,1 ha đất/nông hộ), nông dân (ND) không đủ sức để đầu tư tất cả các thiết bị máy móc nông nghiệp cho các khâu khác nhau trong SX, trong đó có 2 khâu là sấy và bảo quản lúa.

Nếu đầu tư máy móc mà chỉ phục vụ cho gia đình mà không làm dịch vụ thì không có hiệu quả, kinh nghiệm đầu tư máy sấy tĩnh vỉ ngang cho cấp nông hộ ở ĐBSCL của dự án Danida trước đây đã chứng minh điều đó.

Chuỗi cung ứng lúa gạo ở ĐBSCL còn quá dài với nhiều khâu trung gian nên việc quản lý chất lượng là vô cùng khó khăn. Các công ty lương thực chưa có mối liên kết chặt chẽ với ND, chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà chưa tính toán đầy đủ đến sự phát triển bền vững lâu dài của ngành lúa gạo VN nên họ chưa muốn đầu tư máy sấy và kho chứa để đảm bảo chất lượng lúa gạo.

Đầu tư máy sấy và silo bảo quản là sự đầu tư lớn. Trong thời gian dài chúng ta còn thiếu công nghệ và thiết bị sấy và bảo quản lúa phù hợp. Hiện nay đã có nhiều lựa chọn hơn, nhưng khi đã đầu tư máy sấy và silo bảo quản thì các công ty lương thực phải gánh thêm phần trách nhiệm sấy và bảo quản lúa và phải có lượng vốn lưu động lớn để mua lúa đổ vào silo sau mỗi vụ lúa…

Do nhiều khó khăn, có lẽ các công ty lương thực chọn giải pháp dễ dàng cho mình và an toàn nhất là chỉ làm kinh doanh mua bán gạo mà chưa muốn đầu tư máy sấy và silo bảo quản. Họ chủ yếu mua gạo lứt (còn gọi là gạo nguyên liệu) để xát trắng, đánh bóng, đóng bao và XK.

Như vậy, khi giá gạo thị trường thế giới lên thì họ mua gạo nguyên liệu cao và ngược lại. Do đó, việc làm khô lúa, bảo quản tạm và xát lứt lại do ND, mạng lưới thương lái và các nhà máy xay xát tư nhân nhỏ ở các địa phương đảm nhiệm.

Mạng lưới từ nông dân, thương lái đến người xay xát lứt nhỏ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về STH lúa gạo nên mỗi người làm theo một cách khác nhau. Mỗi người vận hành máy sấy theo một cách mà không đảm bảo các yêu cầu trong kỹ thuật sấy thì chất lượng lúa gạo sẽ bị giảm nghiêm trọng không chỉ ở khâu sấy mà còn gây tổn thất ở cả khâu bảo quản và xay xát sau đó.

Với hàng triệu đầu mối cung cấp gạo nguyên liệu cho các công ty lương thực như vậy trong khi chưa có một hệ thống để đảm bảo chất lượng cho từng khâu, chất lượng lúa gạo ở ĐBSCL thấp là điều dễ hiểu. Trong từng công đoạn của chuỗi cung ứng lúa gạo, từng thành viên đều muốn có lợi nhuận cao nhất mà ít quan tâm đến chất lượng và lợi ích chung của ngành lúa gạo VN.

Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra “quy trình ngược” trong công nghệ STH lúa gạo hiện nay ở ĐBSCL. (“Quy trình ngược” là quy trình mà trong đó lúa bị xay xát khi còn độ ẩm cao (17-19%). Sau khi xay xát rồi thì mới sấy gạo trắng để đạt đến độ ẩm 14%, trước khi tiêu thụ).

Nước ta đang hướng tới mục tiêu CNH nông nghiệp, nông thôn, trong khi các khâu SX lúa đang có bước tiến nhanh thì “sấy và bảo quản” vẫn chậm khắc phục, phải chăng do các DN chỉ nghĩ tới thị trường gạo trung bình giá trị thấp?

Hai thị trường gạo chất lượng thấp truyền thống và lớn của VN là Indonesia và Philippines đang có chính sách giảm dần nhập khẩu và tăng cường SX lương thực trong nước. Các nước Châu Phi cũng có chính sách tương tự.

Như vậy, các thị trường gạo chất lượng thấp trong giai đoạn tới sẽ bị thu hẹp dần và cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Nếu VN không cố gắng cải thiện chất lượng hạt gạo của mình để cạnh tranh mạnh hơn và đi dần vào các thị trường gạo chất lượng cao thì XK gạo sẽ gặp khó khăn hơn. Dó đó, ngành SX lúa của có nguy cơ thiếu bền vững và đời sống của nông dân ĐBSCL sẽ khó được cải thiện.

Theo ông, làm gì để có được sự đột phá trong chuỗi cung ứng?

Với quy mô SX lúa của nông hộ ở ĐBSCL còn quá nhỏ như hiện nay, các công ty lương thực nên đảm nhiệm thêm khâu sấy và bảo quản lúa. Các nhà máy xay xát có máy sấy và kho bảo quản lúa, tối đa hóa thời gian sử dụng máy sấy trong năm, chắc chắn sẽ có lợi hơn kiểu máy sấy cho gia đình.

Để hiện thực hóa điều này phải xây dựng cho được mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với chế biến và kinh doanh gạo để tăng cường sự tham gia của nông dân trong các hoạt động và chia sẻ lợi ích của DN mà họ có cổ phần trong đó. Chương trình “cánh đồng mẫu lớn” có thể là điều kiện tốt để xây dựng mối liên kết giữa nông dân/nhóm nông dân với DN lúa gạo.

Theo ông, công nghệ nào được xem là phù hợp với suy nghĩ mới của các DN ở ĐBSCL?

Silo là kho bảo quản kín so với các nhà kho có mái che (hở) thông thường như ở ĐBSCL hiện nay. Mặc dù chi phí đầu tư của silo cao hơn khoảng 2 lần so với nhà kho có mái che, silo giảm thiểu được công lao động phục vụ trong kho, giảm tổn thất STH triệt để hơn, bảo quản được lâu hơn (từ 6 tháng đến 1 năm) để chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh XK và không bị khách hàng quốc tế ép giá.

Lựa chọn công nghệ silo để bảo quản lúa là phù hợp với điều kiện SX lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL. Silo chứa lúa có thể giúp thay đổi “quy trình ngược” của công nghệ STH hiện nay, giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị lúa gạo VN.

Lộ trình cần làm trong những năm tới?

Cần phân biệt cách đầu tư làm silo để chứa lúa chứ không tiếp tục đầu tư xây dựng nhà kho để chứa gạo như hiện nay ở ĐBSCL. Việc đầu tư silo phải được tính toán kỹ lưỡng, tính toán máy sấy để có lúa khô đổ vào các silo. Silo chỉ chứa lúa có cùng 1 giống, vì vậy, các công ty nên tham gia chương trình “cánh đồng mẫu lớn” của Bộ NN-PTNT.

Đầu tư silo có sức chứa từ 1.000 đến 1.500 tấn/silo là hợp lý. Tùy theo quy mô SX và khả năng thu mua lúa trong vùng mà tính toán tổng công suất chứa cho mỗi cụm silo khoảng từ 3.500 đến 10.000 tấn (khoảng 5 đến 10 silo/cụm, phục vụ cho diện tích canh tác từ 500 đến 1.000 ha của các cánh đồng mẫu lớn).

Vốn để làm silo nhiều so nhà kho có mái che. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cho các công ty lương thực.

Xin cảm ơn ông!

CÔNG TY CỔ PHẦN TRIỆU PHÁT

Địa chỉ: 41/12 đường số 9, Phường An Khánh, tp Thủ Đức, tp HCM (Q2 cũ)

Điện thoại: 0902 642 249 (Mr.Tiến)

Email: thanhtien18@gmail.com

Web: www.trieuphat.com.vn

kết nối với Triệu Phát

208326 Online : 1

Follow us :
© Copyright 2012 TRIỆU PHÁT .Designed by Viet Wave